Khám phá Hải Phòng (phần 37): Chùa Trà Phương

Một ngôi chùa cổ kính mang nét kiến trúc nhà Nguyễn

Ta thường nghe người đời nhắc đến câu ví von xưa: "Vắng tanh như chùa Bà Đanh". Chùa Bà Đanh là một tên gọi khác của chùa Trà Phương (tên chữ "Thiên Phúc tự") thuộc huyện Kiến Thụy, Hải Phòng.

Chùa được xây theo phong cách kiến trúc trước thể kí 16, quay về hướng tây – hướng tâm linh, miền tây phương cực lạc. Khuôn viên chùa rộng rãi với bốn bề là các cánh đồng lúa thơm ngào ngạt, lũy tre xanh thẳng tắp, mang đậm hồn quê đất Việt.

Do sự tàn phá chiến tranh và nhiều lần trùng tu, chùa không giữ được vẻ đẹp kiến trúc độc đáo ban đầu. Chính điện là nơi thờ phật, tiền đường thờ vua Mạc Đăng Dung và hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toản, một ban thờ mẫu.

Chùa còn nhiều dấu vết kiến trúc nhà Mạc từ hình rùa đế bia, họa văn đá ốp tường, chân tảng đá. Tại khu nhà bia của chùa có một đầm sen khá rộng tạo cảm giác bình yên, thanh tịnh khi bước vào chùa.

Hình ảnh hoa sen được ví với kẻ tu hành. Dù cõi trần tục cám dỗ nhưng kẻ tu hành không bị nhiễm mà còn có khả năng cảm hóa mọi người. Hương sắc của hoa sen được ví như đức hạnh kẻ tu hành, luôn chính trực, đứng đắn, làm điều tốt. Đầm sen trong khuôn viên như là lời sư thầy nhắc nhở về đức hạnh, lối sống đúng đắn của những người tu hành, không được bị cám dỗ bởi những thú vui trần tục.

Khuôn viên chùa Trà Phương

Khuôn viên chùa Trà Phương

Những pho tượng trong chùa hướng mọi người đến những tư tưởng phật giáo đúng đắn, lời Phật dạy về đức hạnh con người. Do đó, người ta thường đến chùa để tâm hồn thanh tịnh, nhìn mọi việc trong cuộc sống thấu đáo hơn.

Các pho tượng được sắp xếp cân đối từ trên xuống dưới. Ba pho tam thế trong chùa theo phong cách kiến trúc nhà Mạc có "nhục khảo" nổi rất cao, dáng tay mỗi tượng một kiểu.

Trong chùa có năm bệ tượng phật có lịch sử từ đời Mạc trong đó 3 bệ tượng đặt tượng tam thế và hai bệ đặt tượng A di đà. Các bệ tượng đều có hình dáng mập, mặt bệ gần hình bầu dục và xung quanh là cánh sen ngửa mềm mại.   

Những pho tượng tại chùa Trà Phương đều được các nhà nghiên cứu sử học đánh giá cao, phản ánh tài năng sáng tạo tuyệt vời của những người thợ thủ công thời Mạc. Đáng tiếc, nhiều công trình kiến trúc đều không còn trọn vẹn hoặc được trùng tu lại do bị phá hủy nặng nề. Sang thời Nguyễn, chùa được trùng tu lại nên mang đậm nét kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn.

Lưu giữ truyền thuyết về người con gái đẹp người, đẹp nết

Làng Trà Phương được trời phú là đất sản sinh thiên hương, quốc sắc với bao tên tuổi người đẹp như Bảo Gia thái trưởng công chúa, Phúc Nghi thái trưởng công chúa, Tĩnh quốc thái phu nhân….

Nổi tiếng nhất là Hoàng Hậu Vũ thị Ngọc Toàn với vẻ đẹp mặt hoa da phấn, đôi má ửng hồng như cánh sen nở, tiếng nói nhẹ như chim hót, đôi mắt sắc như dao cau,… Bà còn là người phụ nữ đức hạnh, thông minh, cầm kỳ thi họa đều tinh thông. Khi lên ngôi Hoàng hậu, bà vẫn luôn nghĩ về quê hương, tạo điều kiện giúp người dân sinh cơ lập nghiệp.

Hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn

Hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn

Hiện nay, chùa Trà Phương vẫn còn lưu giữ các hiện vật cổ của Hoàng Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn. Trước đây, Hoàng Hậu và 25 vị thân vương, công chúa, quận công nhà Mạc đã cùng xây dựng lại chùa.

Chùa được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đến với chùa, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng lối kiến trúc độc đáo của Việt Nam xưa mà còn được biết thêm nhiều giai thoại về nơi sinh ra bao thiên hương quốc sắc.

"Sen hồng ngào ngạt thơm hương

Không bằng con gái Trà Phương ngắm nhìn."

Bài viết hay, home2 -