Duy Tâm Hay Duy Vật
Tag: duy tâm hay duy vật
Khi được học về Triết học Mac-Lê mình chỉ đạt đến hiểu biết thô sơ rằng tôn giáo là “duy tâm”, vô thần và thực tế là “duy vật”; chỉ quan tâm đến đời sống tâm linh sau khi chết được lên thiên đàng, không quan tâm đến đời thực là “duy tâm”, quan tâm thực tế đến đời sống vật chất là “duy vật”. Mình nhớ thời mình còn nhỏ, khoảng 6-7 tuổi, là thời kì hoàng kim của chủ nghĩa duy vật, ai ai cũng nói về duy vật, tin chắc rằng không thể có khoa học nào có tính khoa học cao hơn được như thế nữa, thực tế hơn được như thế nữa. Thêm vào đó là, chủ nghĩa Mac Lê cùng với Bác Hồ đã giúp chúng ta giành độc lập cho dân tộc, có thể còn nghi ngờ tính chân lý của nó được sao?
Mình đã hoàn toàn tin tưởng vào lý tưởng công bằng của chủ nghĩa xã hội, rằng đến một ngày nào đó khi sản xuất đạt đến mức cao, khi nỗi lo cơm áo gạo tiền không còn nữa, ngày đó chúng ta thỏa thuê sáng tạo theo ý thích, “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, khi đó lao động chỉ là để thỏa mãn tình yêu lao động, “nghệ thuật vị nghệ thuật” chứ không cần “nghệ thuật vị nhân sinh” nữa. Cho dù có người nói với mình về sự không tưởng của nó, mình vẫn nghĩ lý tưởng thì đâu có hại gì, mơ cao một chút thì đâu có sao.
Khi trưởng thành và quan sát những việc xảy ra trong xã hội, mình nhận ra vấn đề không đơn giản như thế, khi sự tôn thờ chủ nghĩa duy vật và vô thần đã khiến người ta khinh rẻ tất cả những gì thuộc về “tôn giáo là mê tín dị đoan” vào thời kì đầu, và “cầu thần khấn phật cho lợi ích cá nhân” của tất cả các tầng lớp trong thời kì nay. Mình bắt đầu cảm nhận có điều gì đó không đúng, có điều gì đó đã phân ly chúng ta theo hai hướng ngược nhau, có điều gì đó đã khiến tâm hồn chúng ta trống rỗng chỉ biết đến lợi ích của cá nhân mình, cùng lắm là gia đình mình. Khi đọc những bài viết của anh Hoành về tư tưởng trong Phật giáo, trong Thiền, tư tưởng trong Thiên Chúa giáo, mình đã nhận ra điều không đúng đó là gì, đó là tư tưởng, chúng ta không dùng tư tưởng của mình mà phải đi vay mượn của nước ngoài, của triết học Mac-Lê. Không may là, sự phân chia giữa “duy vật” và “duy tâm” cùng với sự hạ thấp tâm linh/tôn giáo đã đẩy chúng ta vào tình thế hiện nay.
Phật triết thực sự là một triết học cao hơn sự phân ly máy móc giữa “vật chất và ý thức” rất nhiều lần, như trong Bát Nhã tâm kinh đã viết rõ : “Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc”. Khi còn sống trên Trái đất này, chúng ta có thể có thân thể mà không có ý thức sao? Có thể có ý thức mà không có thân thể sao? Có thể tách “hương vị” ra khỏi món ăn sao? Có thể gọi là “thanh nam châm” nếu tách nó ra khỏi thuộc tính “hút sắt” của nó được sao? Bởi vì, vật chất và ý thức không phải là hai thứ riêng rẽ, chỉ là một, sự sống của chúng ta được tạo thành từ cả hai điều đó, trong một thể thống nhất, là điều đã ghi trong Phật pháp từ hàng ngàn năm. Tư tưởng trong Phật giáo mặc dù cao hơn thế nhưng điều cơ bản nhất vẫn là “vật chất và ý thức chỉ là một”. Đời sống của chúng ta là một “sự hài hoà đa nguyên trong bản chất nhất nguyên”: tách ra được thì biết, hợp lại được thì hiểu.
Tư tưởng trong các truyền thống tâm linh, thực sự cao hơn cả duy vật và duy tâm, đó là yêu người vô điều kiện, thành thật vô điều kiện, khiêm tốn vô điều kiện, tĩnh lặng vô điều kiện, là những lời dạy về cách sống tâm linh với con người cụ thể đã được ghi sẵn trong trái tim tinh khiết của chúng ta, nhưng chúng ta chưa mở được trái tim và khối óc của mình để lĩnh hội nó.
Tình yêu và tư tưởng của những vị Thánh giác ngộ vẫn luôn ở đó, trong kinh sách của tôn giáo, để đón chờ những trái tim lầm lạc quay về nhà và cảm động biết rằng tất cả các lỗi lầm của mình đã được chuộc hết. Dù có chuộc bao nhiêu tội cho những đứa con, nhưng nếu đứa con nào chưa sám hối mà tiếp tục kiêu căng, ghen ghét, tham lam, giành giật quyền lợi, hèn nhát, lười biếng,… thì làm sao đứa con đó có thể thoát ra khỏi tù ngục của tâm trí?
Chúc các bạn tự do trong tư tưởng riêng của mình, bởi vì có một câu nói rằng “Kẻ nào tư duy bằng cái đầu của chính mình, kẻ đó sẽ không bao giờ trở thành nô lệ”.
Thân mến,
Phạm Thu Hường
Tag: duy tâm hay duy vật
Source: https://dotchuoinon.com/2013/11/21/duy-tam-hay-duy-vat/
Tổng hợp -Kiểm Tra Là Gì Giám Sát Là Gì
Văn Khấn Rằm Tháng 7 Bài Cúng Rằm Tháng 7 Âm Lịch
Đại Học Tôn Đức Thắng Lấy Điểm Chuẩn Từ 24 Đến 36,9
Tổng Chi Phí Sang Tên Đổi Chủ Xe Ô Tô Cũ Là Bao Nhiêu?
Cách Vẽ Đồng Lúa Đơn Giản
Qua Đèo Ngang Ngữ Văn 7
Phong Trào Cần Vương: Nguyên Nhân, Diễn Biến, Ý Nghĩa Lịch Sử Ôn Tập Lịch Sử 8